Friday, October 17, 2014

Ảo thuật

Ảo thuật cũng là một môn nghệ thuật hấp dẫn biết bao nhiêu thế hệ. Từ những sưu tầm trên trang web xin được lưu lại trong blog này.

Giấy hóa tiền


===========================
Khăn tay biến mất
============================

Saturday, May 29, 2010

Ngựa vằn "bụp" lại cá sấu


Cá sấu chọn con ngựa vằn non để tấn công, nhưng nó không ngờ con mồi dám cắn trả và chạy thoát.
Đoạn video trên dưới được lấy từ trang National Geographic.


Saturday, December 27, 2008

Hội họa vui

Thiết kế web, thương mại điện tử kết hợp thương mại truyền thống Liên hệ : 1900 571 571


Tuesday, September 4, 2007

Học Mỹ Thuật trên truyền hình

Giáo dục mỹ thuật không chỉ giúp cho các em nhỏ mà con rất bổ ích cho người lớn. Băng đĩa ở ngòai không có bán. Chúng tôi đành ghi lại trên truyền hình để phổ biến cho nhưng ai có nhu cầu

Friday, August 31, 2007

VAI TRÒ CỦA TRỰC GIÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI MUA TRANH

Người mua tranh có nhu cầu của mình và nếu người sáng tác chạy theo thị trường, không thuyết phục được người mua tranh, không cố làm cho người mua tranh hiểu những gì mình đang làm cũng coi như thị trường tranh bị mất khách hàng.

Những người mua tranh do trình độ nghệ thuật và nghề nghiệp khác nhau, thường có nhu cầu thưởng thức khác nhau và đưa ra quyết định mua tranh trên cơ sở trực giác của mình.

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là vai trò của trực giác có ý nghĩa như thế nào đối với người mua tranh. Người có trực giác nghĩa là có khả năng tiên đoán, có khả năng biết trước chớp nhoáng sự việc sẽ xảy ra, có khả năng quyết đúng một việc cần phải quyết định và không giải thích được. Nếu không có trực giác, người mua tranh sẽ lúng túng trước bức tranh cần lựa chọn. Muốn có trực giác tốt cần phải rèn luyện trực giác thông qua việc thường xuyên được sống trong môi trường nghệ thuật. Nhiều người mua tranh có trực giác tốt đã mua được những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao với giá rất rẻ, thời nào cũng có.

Đời sống văn hóa cao đòi hỏi các họa sĩ cũng cần phải có trực giác để cho ra những tác phẩm thỏa mãn trực giác của người thưởng thức thẩm mỹ.

Trực giác đối với những bức tranh hiện thực

Platon (428-374 tr.CN) so sánh hội họa như chiếc gương soi để xét đoán giá trị của tác phẩm mỹ thuật, là sự mô phỏng ngoại dạng hay mô phỏng hiện thực. Arisrtote (384-322 tr.CN) cho rằng mỹ thuật thuộc vào loại nghệ thuật mô phỏng.

Leon Battista Alberti (1404-1472) nhà hoạt động mỹ thuật thông thái thời Phục hưng khuyên : "điều cực kỳ quan trọng là vui thích mô phỏng thiên nhiên với tất cả sự chú tâm và lòng nhiệt thành cần thiết"

Các nhà mỹ thuật cổ điển thế kỷ 17,18 cho rằng cái đẹp không thể tách rời sự thật của những hình thể tự nhiên, những tiến bộ khoa học kỹ thuật cần phục vụ đắc lực cho công việc của người sáng tác mỹ thuật.

Courbet (1810-1877) nói "tôi chỉ vẽ cái gì tôi trông thấy". Auguste Rodin (1840-1917) nói rằng nguyên lý duy nhất trong nghệ thuật là sao chép cái mà ta nhìn thấy, mọi phương pháp khác đều không bền vững, không có một cách thức nào khác để làm cho thiên nhiên đẹp hơn.

Tiêu chuẩn này đã tác động lĩnh vực mỹ học từ thời đại này sang thời đại khác làm cơ sở đánh giá tác phẩm mỹ thuật để đi tới quyết định của người mua tranh.

Trực giác đối với những bức tranh có ý nghĩa tượng trưng

Phật giáo cho đời là bể khổ. Nguyên nhân của mọi khổ não là do "sinh". Tùy mức độ tiếp nhận giáo lý Phật ở mỗi dân tộc, khi vào các chùa phật chúng ta vẫn thường thấy những cảnh tượng phổ biến như bánh xe luân hồi (biểu tượng của Phật giáo), cây bồ đề (cây thiêng của Phật), con voi trắng (tượng trưng cho một hóa kiếp của Phật Thích ca)...

Nghệ thuật Hồi giáo lấy hình tròn tượng trưng vẻ đẹp hoàn thiện của vũ trụ, của thánh thần; bông hoa xanh tượng trưng sự nảy nở vĩnh tồn của học thuyết Allah; tháp chuông biểu tượng sự cao cả, siêu việt của thần linh. Tín đồ Hồi giáo chú trọng trang trí thánh đường sặc sỡ dù giàu hay nghèo. Vì nghệ thuật Hồi giáo cấm sử dụng hình người nên những hình học đơn giản (thẳng, góc, vuông, đa giác, lập phương, nón, tròn, trụ, bầu dục, trôn ốc, mặt cầu) được kết hợp khéo léo trang trí cho các tác phẩm mỹ thuật của mình. Khi lệnh cấm vẽ hình được nới lỏng họ sử dụng những hình cách điệu động vật, tưởng tượng những hình kỳ dị nửa cầm thú rất phong phú... tác phẩm mỹ thuật loại này thường giầu tính trang trí và ẩn ý tượng trưng.

Các tôn giáo thường dùng những biểu tượng có ý nghĩa tượng trưng. Người mua tranh là các tín đồ rất nhạy cảm mua những bức tranh có liên quan tới tôn giáo mà mình thờ phụng.

Trực giác đối với bức tranh hình thức chủ nghĩa

Trong một thế kỷ trở lại đây, ở các nước tư bản, các giá trị nghệ thuật đặt nặng lên đôi vai người nghệ sĩ thì lỗi lầm lớn nhất của các trào lưu hội họa là sự thiếu quan tâm về kỹ thuật, họ sẵn sàng dùng màu bôi bừa lên khung vải. Một số họa sĩ đương đại miệt mài đi tìm ngôn ngữ nghệ thuật, họ vung vãi màu sắc tạo thành những mảng, vết lằng nhằng khó hiểu. Nếu chỉ vẽ tranh bằng ký hiệu một cách tự động thì sáng tác hội họa có lẽ không phải là công việc khó khăn. Thực ra ý tưởng mà nghệ sĩ có khả năng truyền cảm sau khi chính vốn kỹ thuật sử dụng chất liệu của anh ta đã được chuẩn bị. Người mua tranh phải đạt được hứng thú: "nắm bắt được ý tưởng và kỹ thuật thể hiện tác phẩm" của người sáng tác. Người mua tranh phải cảm nhận được quy luật nội tại của ngôn ngữ nghệ thuật mà người sáng tác tìm tòi. Nếu không trực giác được giá trị của bức tranh hình thức chủ nghĩa, người mua tranh sẽ tránh xa nó.

Vấn đề trực giác của người mua tranh

Mỗi con người cần có thị hiếu thẩm mỹ nhất định. Có thị hiếu thẩm mỹ mới có ý thức thẩm mỹ, biết thưởng thức mỹ thuật và có thái độ thẩm mỹ. Thái độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân bao giờ cũng chứa đựng khả năng lựa chọn trong việc đánh giá.

Trong đời sống hàng ngày, mỗi khi có cơ hội có điều kiện, nhu cầu thẩm mỹ xuất hiện điều khiển con người, kích thích trực giác thưởng thức. Tùy theo điều kiện sống ở mỗi con người mà nhu cầu thẩm mỹ có khác nhau. Chắc chắn nhu cầu mỹ thuật có sẵn trong mỗi con người và khi có cơ hội là nó trỗi dậy đòi hỏi đáp ứng. Chúng ta cũng không thể nói người mua tranh không biết thưởng thức, mua phải bức tranh kém chất lượng. Đôi khi việc mua tranh không hẳn chỉ là nhu cầu thưởng thức mà còn có nhu cầu cá nhân khác hoặc đánh bóng thương hiệu của mình.

Theo Immanuel Kant (1724-1804) thưởng thức mỹ thuật thể hiện bằng sự thỏa thích. Đối tượng tạo nên sự thỏa thích được gọi là cái đẹp. Cái đẹp là đối tượng của sự chiêm ngưỡng. Cái đẹp là cái làm hài lòng một cách phổ quát mà không bằng khái niệm, không cần sự trợ giúp của suy lý, không thể chứng minh được. Cái đẹp không cần chứng cớ, không cần những tham chiếu, vì nó là cái không thể bắt chước được. Cái hữu ích gợi lên mục tiêu, một công dụng, trái lại, cái đẹp là không giới hạn. Cái đẹp gợi ra một sự hòa hợp nội tại trong kết cấu của tác phẩm và cũng gợi lên sự hòa điệu giữa tác phẩm và nhu cầu thẩm mỹ của chúng ta.

Đứng trước một tác phẩm, người mua tranh luôn luôn thận trọng và thường đặt câu hỏi: Tại sao người ta lại vẽ thế này, yếu tố quan trọng chi phối bức tranh nằm ở đâu, giá trị ở chỗ nào, đằng sau bức tranh còn ẩn giấu cái gì nữa. Nếu người họa sĩ khi vẽ không tự đặt câu hỏi cho mình, thì người họa sĩ sẽ bế tắc trên con đường tìm tòi sáng tạo vì người mua tranh sẽ hỏi những câu ấy. Người mua tranh sở dĩ dè dặt mỗi khi đứng trước một tác phẩm vì họ nghĩ rằng lao động nghệ thuật là một lao động đặc biệt mà họ không có khả năng thực hiện.

Sáng tác mỹ thuật có người nệ thực, có người để cho trí tưởng tượng bay bổng, khai thác cái vô hình. Điều ấy làm người mua tranh cảm khoái và ngạc nhiên.

Sở thích có giá trị tương đối và ta không thể nào thu gọn sự đẹp vào những quy tắc phổ quát. Mua tranh chính là mua giá trị nghệ thuật tác phẩm, dù rằng nó chỉ có giá trị tương đối. Đây chắc chắn là vấn đề khó, phức tạp và tế nhị đòi hỏi một trực giác nhất định. Tuy vậy, người mua tranh có thể chú ý những khía cạnh của từng bức tranh cụ thể để "trực giác" khi bức tranh có những dấu ấn:

- Truyền thống dân tộc, truyền thống địa phương, truyền thống văn hóa

- Của thời đại, phản ánh được sắc thái của dân tộc, không gian văn hóa

- Có tính nhân văn vì con người, cho con người và do con người

- Có hiệu quả thẩm mỹ chỉ dành riêng cho số ít người có tiếng tăm, địa vị

- Là tác phẩm có giá trị và làm cho tác giả trở thành bậc thầy

- Là tác phẩm đại diện cho một trường phái mỹ thuật

- Là tác phẩm nổi tiếng, chứa đựng một số nội dung thật rõ ràng

- Là tác phẩm có một số ưu điểm, giải quyết được chúng một cách thỏa mãn

- Là tác phẩm có ảnh hưởng tới một lĩnh vực nghệ thuật nào đó

- Là tác phẩm đặt nền móng cho những kiệt tác ra đời

- Là tác phẩm phủ nhận phong cách mỹ thuật đã được thừa nhận

- Tác phẩm là nguyên nhân của sự tranh cãi.

- Là tác phẩm đánh dấu sự chuyển hướng sang phong cách đang thịnh hành

Người mua tranh thường đưa ra quyết định dựa trên trực giác và sự phân tích đến sau vì tác phẩm mỹ thuật làm ra chính là để thưởng thức hơn là để tranh luận. Người mua tác phẩm có khi biến nghệ thuật thành một hàng hóa và dùng tiền đẩy nghệ sĩ chạy theo thị hiếu riêng của mình. Mỹ thuật khi trở thành thương mại thì người sáng tác mỹ thuật tự đánh mất phong cách, các tác phẩm trở nên một thứ hình thức bố cục trang trí rối rắm nhưng nhạt nhẽo. Nhiều gallery làm hại tác giả bởi ý tưởng mà họ khơi gợi cho nghệ sĩ mỗi khi đặt hàng.

Tác phẩm nghệ thuật và người mua tranh có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tác phẩm sống nhờ người mua tranh và người mua tranh luôn luôn cần tác phẩm.

Điều kiện của cá nhân để mua tranh

Nếu cho rằng cần đi sâu vào bản chất của mua tranh thì cũng cần phải nói rằng việc mua tranh không tự nhiên mà có, cũng không phải chỉ vì bức tranh ấy đẹp mà phải từ yêu cầu của điều kiện sống sinh hoạt, khả năng kinh tế, trình độ kiến thức và trực giác của người mua tranh.

Tinh thần con người được hưởng thụ từ nhiều yếu tố và giá trị của tác phẩm. Những yếu tố hợp thành chắc chắn sẽ có liên quan tới đời sống tâm lý, kiến thức xã hội, tiềm năng kinh tế cá nhân, sự nhậy cảm giá trị tác phẩm và trí tưởng tượng. Những người sống ở miền Bắc Việt Nam, ôm ấp những cảm giác thận trọng, thích ăn uống nghiêng về một đời sống có trật tự, ngăn nắp. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ có chuẩn mực, bài bản. Người miền Trung sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt, bên bờ biển đông nắng chói thiên về thương mại, ăn uống có tiết độ, tuân thủ những tập quán xã hội, những tổ chức chính trị, những tình cảm truyền thống và những khả năng thích hợp cho việc thỏa mãn các loại hình nghệ thuật đi vào chiều sâu của tình cảm trầm buồn man mác. Người miền Nam ít sống giữa thiên tai, dễ kiếm sống thì thiên về cuộc sống cộng đồng, nhóm họp, tươi vui thích hợp cho việc hưởng thụ những trào lưu nghệ thuật đương đại tràn vào, nghệ thuật ứng dụng đa dạng.

Kết luận

Ngày nay sự hỗn độn rất phổ biến. Sự hỗn độn này được thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại, có lẽ vì không có sân chơi chung cho người sáng tác và người thưởng thức mỹ thuật. Nền văn minh vật chất đã tạo ra thời đại đầy tham lam, đó là hiện tượng đáng tiếc và mỹ thuật cũng vậy.

Xu hướng ngày nay càng có nhiều họa sĩ lao vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Điều khó tránh khỏi là từ sự cọ xát trên thương trường chứ không phải do cuộc đua tài sáng tạo. Thực chất là sự cạnh tranh (thường là khó lành mạnh), tất yếu sẽ dẫn đến sự phân hóa nghệ thuật sâu sắc. Trong tương lai gần, thị trường tranh Việt Nam nếu không có sự tham gia tích cực của Hội Mỹ thuật sẽ trở thành trung tâm của hàng lưu niệm rẻ tiền, hàng tứ xứ có căn nguyên từ sự tham lam vô độ của thị trường nghệ thuật.

Sức ép kinh tế gia đình đẩy họa sĩ có 3 sự lựa chọn: dành một phần thời gian làm tranh thương mại để lấy kế sinh nhai, dành một phần thời gian làm tác phẩm có chuẩn mực nhất định để gửi triển lãm và dồn tâm huyết để làm tác phẩm độc đáo tham dự các giải thưởng và chờ khách mua giá cao. Chính sự lựa chọn làm cho giới sáng tác mỹ thuật bị phân hóa và có thể họa sĩ kiếm tiền giỏi chưa chắc đã là họa sĩ tài năng.

Người mua tranh có nhu cầu của mình và nếu người sáng tác chạy theo thị trường, không thuyết phục được người mua tranh, không cố làm cho người mua tranh hiểu những gì mình đang làm cũng coi như thị trường tranh bị mất khách hàng.

Mỗi đất nước có một niềm tự hào của mình là có những nét riêng truyền thống độc đáo mà nước khác không có. Trách nhiệm của người sáng tác cần phải biến những nét độc đáo của đất nước thành giá trị nghệ thuật trên mỗi tác phẩm mỹ thuật. Mọi vật liệu sáng tạo đều có sẵn trong thiên nhiên, người mua tranh chỉ cần người nghệ sĩ chuyển cái có sẵn thành cái bất ngờ, hình tượng cao quý của cái thật thành cái đẹp mong đợi. Người sáng tác mục kích hiện thực, nhạy cảm với nền văn minh ấy, dần dần linh cảm biến dạng những hiện thực thành những hiện thực mới, không còn là tình cảm mà là những dự báo. Một khi người mua tranh cần người sáng tác mỹ thuật là lúc nền mỹ thuật của chúng ta đang trên đà phát triển.

Lê Đình Thuận

MỸ THUẬT ỨNG DỤNG TRONG HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Thưởng thức cái đẹp là một nhu cầu của con người. Từ xa xưa, con người trong quá trình giao tiếp và ứng xử với thiên nhiên đã biểu hiện thuộc tính này. Khi tư duy của con người ngày càng phát triển và những nhu cầu vật chất được thỏa mãn thì nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người ngày càng cao và biểu hiện phong phú đa dạng hơn.

Thuật ngữ MTƯD mới được đề cập tới trong vài thập niên gần đây ở nước ta, nhưng xét về mặt thực tiễn thì hoạt động mỹ thuật ứng dụng đã tồn tại từ lâu, ngày càng phát triển theo nhu cầu sử dụng và năng lực thẩm mỹ qua từng thời kỳ lịch sử. Điều này mang tính phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới.

Hơn bao giờ hết, ngày nay MTƯD phát triển nhanh và mạnh mẽ chưa từng thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới. MTƯD làm thay đổi nhanh chóng sản phẩm vật chất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của con người trong đời sống hiện đại.

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng góp phần thúc đẩy, tương hỗ cho sự sáng tạo MTƯD. Chúng ta nghiên cứu MTƯD là đề cập tới mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội thể hiện trong sản xuất, cũng như trong sinh hoạt vui chơi và hưởng thụ, thưởng thức sản phẩm vật chất mang giá trị văn hóa. Chức năng và mục đích của MTƯD là nhằm thỏa mãn tâm sinh lý của người sử dụng, tức hàm chứa về mặt thẩm mỹ và chứa đựng giá trị sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng và phù hợp về mặt giá cả kinh tế.

Sản phẩm của mỹ thuật ứng dụng hết sức đa dạng và phong phú, với nhiều chủng loại sản phẩm và có giá trị rất lớn đối với đời sống sinh hoạt của con người, phục vụ cho con người, thỏa mãn cho con người cả về nhu cầu vật chất và tinh thần. Và sự thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần ấy cần phải phù hợp với bản sắc văn hóa và thị hiếu thẩm mỹ của mỗi dân tộc cộng đồng người khác nhau. Thế giới đồ vật được con người tạo ra gắn liền với môi trường sản xuất và đời sống hằng ngày của con người. Điều căn bản nhất của MTƯD là tập trung đáp ứng các nhu cầu của xã hội. Sự hiện diện của nó được nhận thấy ở tất cả mọi mặt trong cuộc sống của con người như: ăn, mặc, ở trong sinh hoạt, học tập, sản xuất, các phương tiện, công cụ, sản xuất, lao động, vui chơi, giải trí ... Từ sản phẩm đến bao gói đựng chứa cho đến những sản phẩm công nghệ thông tin hàm chứa giá trị trí tuệ cao, tất cả đều mang dấu ấn của MTƯD.

Xem xét quá trình hình thành và phát triển của mỹ thuật trong lịch sử phát triển của loài người thì MTƯD có nguồn gốc từ rất sớm. Nó tồn tại ngay trong các công cụ lao động và sinh hoạt của con người từ những thuở ban đầu. MTƯD tồn tại ở những nhu cầu tối thiểu, thiết yếu của con người như: ăn, mặc, ở. Và rồi tùy vào điều kiện phát triển của xã hội và tư duy nhận thức, nhu cầu thị hiếu của con người mà MTƯD được biểu hiện ở những lĩnh vực khác cao hơn. Sự phát triển ngày một cao hơn về giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng được coi như một yếu tố khi nghiên cứu về quá trình phát triển của văn minh loài người. Đó chính là quá trình tìm kiếm sự thống nhất về các giá trị trong một chỉnh thể sáng tạo, tức chính là đồ dùng, vật dụng. Từ chỗ chỉ để dùng phục vụ sinh hoạt, tiến đến biết làm đẹp đồ vật, làm đẹp sản phẩm do mình làm ra. Từ những đồ đơn giản, bình thường như: cái cày, cuốc, liềm, dao... phục vụ cho công việc lao động sản xuất của người nông dân đến các đồ cao cấp hàm chứa tính trí tuệ, sáng tạo cao như: Tivi, tủ lạnh, xe máy, máy bay, tàu vũ trụ ... và ta thấy quá trình hoàn thiện đồ vật về cơ cấu và cả hiệu quả sử dụng là một bước tiến lớn lao trong quá trình nhận thức để cải tạo thế giới tự nhiên của con người. Khi bước vào bảo tàng thì điều đó được minh chứng thật rõ ràng: những mảnh tước, mảnh ghè đến những vây rìu đá, cuốc đá đến trong công cụ để sinh tồn của con người ở thời kỳ xa xưa đến những cây rìu sắt ngày nay, con người đã phải trải qua những giai đoạn cải tiến và để từng bước khám phá để hoàn chỉnh như thế nào.

Xã hội càng tiến hóa, càng văn minh thì ở thế giới đồ vật (do con người sáng tạo) tính kỹ thuật và thẩm mỹ càng được kết hợp chặt chẽ và cấu thành tồn tại trong nhau một cách hoàn hảo như một chỉnh thể. Con người không chỉ có nhu cầu sử dụng mà còn có nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp ở chính trên ngay các đồ dùng hàng ngày. Từ cái đĩa, bát ăn cơm, cái chén uống nước ... đều cần tạo dáng, chất liệu, màu men trang trí và sử dụng thuận tiện bền đẹp. Một ngôi nhà để ở không chỉ đơn thuần là nơi che chắn nắng mưa, mà còn đòi hỏi không gian, kiến trúc; cái đẹp tổng thể kiến trúc với môi trường; cái đẹp trong trang trí nội thất, ngoại thất; vừa đẹp vừa ngăn nắp, thuận tiện sinh hoạt của các nhu cầu khác: ăn mặc, đồ dùng, quạt điện, ti vi, tủ lạnh, xe máy ... Tất cả đều là đòi hỏi và yêu cầu trong đời sống mà MTƯD phải đáp ứng. Và những đòi hỏi khách quan đó đối với mỗi sản phẩm hàng hóa ngày càng cao hơn cả hai mặt: đẹp và ích dụng, gắn bó trong đời sống tinh thần và vật chất của con người.

Sản phẩm MTƯD là sản phẩm hay kết quả sáng tạo mang giá trị ích dụng và thẩm mỹ chứa trong một sản phẩm. Một sản phẩm MTƯD không chỉ dừng ở sự đạt giá trị công năng, công thái học, sinh thái học mà phải bao hàm cả giá trị thẩm mỹ mang tính xã hội, văn hóa và phản ánh trình độ, phát triển kỹ thuật công nghệ của cộng đồng. Tất cả những giá trị ấy thống nhất chặt chẽ và được liên kết trong một chỉnh thể, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội. Từ sáng tạo mẫu mã, sản xuất ra sản phẩm rồi đến tay người tiêu dùng là một chu trình mang giá trị sử dụng, giá trị kinh tế, giá trị văn hóa thẩm mỹ theo cơ chế của cung và cầu. Và cơ chế ấy là một vấn đề luôn luôn được đặt ra trong xã hội, cho bất kỳ một loại sản phẩm mỹ thuật ứng dụng nào. Và thực sự chúng đã trở thành cơ sở, động lực cho MTƯD phát triển và phát triển không ngừng.

Con người luôn luôn hướng tới cái đẹp bởi vì sự đòi hỏi thỏa mãn nhu cầu về cái đẹp là một đặc trưng thuộc bản chất người. Trong quá trình phát triển, nhu cầu thẩm mỹ của con người đòi hỏi ngày càng cao, càng nhiều và đa dạng, đã thúc đẩy MTƯD cũng phải phát triển không ngừng để đáp ứng những nhu cầu đó. Và như vậy MTƯD phải đảm bảo nhiệm vụ sáng tạo đi liền với chế tác và sản xuất, với mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn về nhu cầu vật chất và tinh thần cho con người. Điều đó cho thấy hoạt động MTƯD chứa đựng trong nó tính nhân văn. ở Việt Nam hiện nay, với bề dày tinh hoa truyền thống mỹ thuật dân tộc, giao lưu và tiếp thu những giá trị mỹ thuật - kỹ thuật của nhân loại, đội ngũ các nhà thiết kế mỹ thuật đang có nhiều cơ hội hơn kế thừa phát huy sáng tạo. Sự phát triển mạnh mẽ đó đã và đang tham gia tác động trực tiếp vào trong đời sống sản xuất công nghiệp, kinh tế và văn hóa xã hội của chúng ta.

Sản phẩm thời kỳ đầu của MTƯD Việt Nam được khám phá là những đồ trang sức bằng đá, vỏ trai, vỏ ốc, mảnh gỗ, mảnh tre ... Nhiều nhà khảo cổ đã tìm thấy đồ trang sức bằng đá, vỏ trai, vỏ ốc ... thời xa xưa cách ngày nay hàng vạn năm. Đó là những vòng khuyên tai, hoa tai mà người xưa đã đẽo gọt, chế tác, tạo dáng từ chất liệu đá, sừng, răng thú vật để làm đẹp cho con người. Đến giai đoạn đồ đồng con người lại sáng tạo ra những trang sức bằng đồng như hoa tai, vòng tai, vòng đeo cổ, đeo tay... Tất cả chúng được coi là những sản phẩm MTƯD đầu tiên.

Lịch sử phát triển loài người và xã hội là một quá trình lịch sử lâu đời. Ngay từ những thế kỷ trước Công nguyên, qua những dấu tích văn hóa của nhiều cuộc khai quật khám phá của các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ trên thế giới và ở Việt Nam đã làm hiện rõ vô số hiện vật thuộc lĩnh vực MTƯD đã từng tồn tại nhiều thế kỷ trước đây ở khắp nơi, đặc biệt nổi bật là ở các trung tâm văn minh lớn của thế giới. Qua các công trình kiến trúc cổ xưa của người Ai Cập, Hi Lạp - La Mã, Trung Quốc, Châu Phi, ngay cả ở Việt Nam, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng cũng được tìm thấy dấu tích qua những đồ dùng, vật dụng của người Việt cổ.

Có thể nói rằng MTƯD là loại hình có quá trình hình thành, phát triển. Sự phát triển của MTƯD gắn liền với quá trình lao động sáng tạo của con người. MTƯD là nghệ thuật của sự kết hợp giữa cái thực dùng và cái đẹp, giữa cái lâu bền và cái thẩm mỹ. MTƯD là cái tổng hòa của nhiều ngành: cả khoa học kỹ thuật, cả quy trình công nghệ, sản xuất và kỹ thuật. Giá trị thẩm mỹ của nó không chỉ làm đẹp cho cuộc sống, mà làm đẹp cho cả thế giới vật chất do con người tạo ra. Trên thực tế ta dễ dàng nhận thấy nếu không có sự tham gia của các giá trị thẩm mỹ thì ở thế giới đồ vật gắn liền với đời sống chúng ta, sẽ tồn tại những đồ vật khô cứng, khó coi và như vậy, sự phát triển của con người cũng như phát triển xã hội sẽ không thể toàn vẹn về mặt văn hóa thẩm mỹ cũng như sự hiểu biết về mặt khoa học.

Hiện nay, vấn đề đưa cái đẹp vào đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của xã hội đang rất sôi động. Để hình thành được đồng bộ sự quy hoạch về mặt thẩm mỹ không phải dễ dàng, nhưng trong thực tế lịch sử của đất nước, cha ông ta đã làm được như vậy. Để thực hiện chiến lược phát triển đất nước thì con người là một nhân tố được đặc biệt quan tâm. Và con người được nói đến với vai trò phát huy khả năng sáng tạo. Sự phát triển tiềm năng sáng tạo của con người trong mọi vấn đề xã hội nói chung và trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng nói riêng là yếu tố tạo nên sản phẩm hàm chứa “chất xám” cạnh tranh. Và trong xu thế hóa toàn cầu về kinh tế, sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và công nghệ nhưng con người vẫn là trung tâm. Sự tuân thủ nghiêm ngặt các qui trình công nghệ, ý thức say mê tìm tòi cải tiến kỹ thuật đã tác động trực tiếp đến số lượng và chất lượng sản phẩm. Tất cả những điều đó đều có sự liên quan trực tiếp đến việc phát huy năng lực tinh thần của người lao động. Thực tế đã chứng minh, việc quan tâm đến nhân tố con người không được phép giới hạn ở việc giáo dục tư tưởng chính trị mà còn phải quan tâm đến việc nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ cho nhân dân. Nâng cao năng lực thẩm mỹ cho công chúng sẽ làm cho thế giới tinh thần của nguồn nhân lực ngày càng phong phú và tinh tế, giúp họ có khả năng đánh giá nhanh nhạy trước cái đẹp, sáng tạo theo qui luật cái đẹp và có khả năng phản ứng trước cái xấu, cái lạc hậu, phản tiến bộ.

Đối với sự phát triển, chúng ta đều biết rằng sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia đòi hỏi sự tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với việc xây dựng môi trường văn hóa, tiến bộ xã hội. Sự kết hợp hài hòa giữa kinh tế và văn hóa sẽ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của mỗi quốc gia. Và trong quá trình phát triển, MTƯD như là một yếu tố cấu thành của văn hóa đã tham gia một cách tích cực, hiệu quả vào quá trình này. Phát triển mỹ thuật ứng dụng trong sự phát triển xã hội chính là quá trình thẩm mỹ hóa đời sống và sản xuất theo định hướng nhân văn.

MTƯD đã và đang tồn tại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến các quá trình, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế. Thông qua hoạt động thiết kế sáng tạo, mỹ thuật ứng dụng đã chủ động và tích cực đưa cái đẹp vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Hội nhập quốc tế và sự phát triển của công nghệ đã đưa đến cho con người các sản phẩm tiêu dùng có hàm lượng công nghệ và thẩm mỹ cao như: mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, bao bì sản phẩm; truyền thông quảng cáo, xúc tiến thương mại, môi trường thẩm mỹ trong sản xuất và đời sống... Tất cả những sản phẩm ấy đã tác động đến tình cảm, nhận thức, tư duy của con người và góp phần vào việc điều chỉnh hành vi, lối sống mới mang hoạt động ấy của MTƯD tính khoa học và thẩm mỹ cho con người và xã hội. Tất cả những điều đó là cơ sở để nâng cao hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội trong quá trình phát triển hiện nay.
Nguyễn Tiến Mạnh

MỘT CÁCH NGHĨ VỀ NGHỆ THUẬT HIỆN THỜI

Ở Việt Nam nền công nghệ giải trí không được như các nước khác để bù lại là sự bùng nổ của hàng trăm các gallery bán tranh, sự hiện diện của hàng nghìn các họa sĩ, phần nào giúp cho khách du lịch nước ngoài bớt đi cảm giác buồn tẻ khi ghé thăm Việt Nam, và “Kinh đô Thăng Long” của chúng ta càng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Lịch sử phát triển của loài người được gắn liền với văn hóa nghệ thuật nó cùng với triết học và tôn giáo hình thành lên các hệ tư tưởng trong suốt lịch sử sinh tồn của nhân loại. Triết gia Hegel (1770-1831) gọi 3 phạm trù đó thuộc về tinh thần tuyệt đối.

Triết gia cổ đại Platon (427-347TCN) đánh giá: “Đời sống của tinh thần là văn hóa của linh hồn, nó dẫn đắt đời sống nhân loại”: Điều đó chứng tỏ văn hóa nghệ thuật là giá trị cốt tử của nhân loại. Nó thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần: nhận thức, đạo đức, chính trị, đời sống tâm linh trong mọi quan hệ xã hội...

Hình thái cao nhất của văn hóa thẩm mỹ chính là văn hóa nghệ thuật - ở đó hoạt động nghệ thuật được đánh giá như một vai trò chính yếu nền tảng của văn hóa thẩm mỹ. Và càng ngày nghệ thuật càng trở nên thiết yếu trong đời sống. Hêgel đánh giá “Nghệ thuật là trình độ mở đầu của nhận thức”.

Chính bởi vậy mà chúng ta thấy từ thời cổ đại con người đã bắt đầu biết bảo tồn và sưu tầm nghệ thuật.

Bắt đầu từ vua chúa đến các nhà quý tộc rồi đến các giới thượng lưu giàu có trong xã hội... dần dần đến cả quần chúng nhân dân đều có thú chơi và sưu tầm nghệ thuật. Ngày nay khi sưu tập được một bức tranh quý người ta có thể mở tiệc lớn để chiêu đãi và khoe với bạn bè.

Việt Nam từ sau thời mở cửa - cho đến nay đã ra đời hàng trăm các gallery ở các thành phố lớn - cùng với hàng ngàn họa sĩ già trẻ đã cung cấp cho thị trường thế giới hàng vạn, hàng vạn các tác phẩm hội họa và điêu khắc (chủ yếu là hội họa). Hầu hết các khách du lịch đến Việt Nam đều mua tranh ở các gallery và ở ngay cả nhà riêng của các họa sĩ.

Nhưng các phòng tranh như gallery ở Việt Nam lại rất ít - ngược lại hệ thống bảo tàng lại rất lộng lẫy và hoành tráng. Nhất là hệ thống các bảo tàng mỹ thuật, hàng ngàn các tác phẩm điêu khắc, hội họa hiện đại được trưng bày hết sức trang trọng trong những ngôi nhà lớn đồ sộ có kiến trúc độc đáo.

ở các nước khác, công nghệ giải trí rất phong phú, đa dạng từ đại chúng đến cao cấp.

ở Việt Nam nền công nghệ giải trí không được như các nước khác để bù lại là sự bùng nổ của hàng trăm các gallery bán tranh, sự hiện diện của hàng nghìn các họa sĩ, phần nào giúp cho khách du lịch nước ngoài bớt đi cảm giác buồn tẻ khi ghé thăm Việt Nam, và “Kinh đô Thăng Long” của chúng ta càng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

Còn hệ thống bảo tàng mỹ thuật của Việt Nam thì sao? quá nghèo nàn và lạc hậu. Riêng bảo tàng mỹ thuật thì gần nửa thế kỷ nay vẫn chẳng thay đổi trong cái khu đất như một xóm nhỏ. Phải chăng có thể gọi nó là “Bảo tàng tàng” điều này mỗi chúng ta tự lý giải.

Tuy vậy chúng ta có thể tự hào rằng nghệ thuật hội họa của Việt Nam đã và đang ở thời kỳ hoàng kim, và có thể còn phát triển rạng rỡ hơn, có thể nói chúng ta đã xuất khẩu được một số lượng tranh khá lớn vào thị trường thế giới nhưng chúng ta tự hỏi tại sao tại sao tranh của các họa sĩ Việt Nam đương đại vẫn chưa lọt được vào các bảo tàng danh tiếng của thế giới.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong hàng vạn tác phẩm hội họa điêu khắc được khách nước ngoài sưu tập có không ít tác phẩm đạt đến giá trị đỉnh cao có thể là những tác phẩm lớn ở tầm cỡ quốc tế nhưng không đủ mạnh để có được vị trí trong các bàn tiệc lớn về nghệ thuật của thế giới. Phải chăng do vị thế văn hóa của dân tộc chúng ta, hoặc chúng ta không có các triết gia lớn, các nhà mỹ học lớn, các nhà phê bình lớn, các nhà sưu tập ở đẳng cấp thượng thặng đứng ra bảo hộ và nâng cao giá trị cho các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam.

Trong khi đó người bạn láng giềng khổng lồ bên cạnh chúng ta là Trung Quốc, các nhà sưu tập thế giới và các nhà sưu tập Trung Quốc đã và đang đi tìm mua một cách sôi động các tác phẩm mỹ thuật hội họa và điêu khắc của Trung Quốc và giá trị của tác phẩm cũng tương đương với một số những tác phẩm lớn của thế giới và một số họa sĩ còn đương sống đã có giá tranh lên đến hàng triệu mỹ kim.

Tại sao các cuộc bán đấu giá lớn tranh nghệ thuật quốc tế, tranh của họa sĩ Việt Nam hầu như không có và nếu có thì giá trị về mặt tài chính có thể nói là không được xếp hạng và cực kỳ thấp.

Trong các cuộc thi hội họa quốc tế ở trình độ cao chúng ta cũng không thể xuất hiện trên bảng vàng danh dự. Chúng ta phải tự hỏi rằng: nghệ thuật của chúng ta đã có đẳng cấp ở trên thế giới và nó có thể hy vọng trở thành văn hóa đỉnh cao?

Nền nghệ thuật đó có khả năng khai sáng được thế giới để trở thành nghệ thuật siêu việt bình đẳng bên cạnh các kiệt tác của nhân loại. Chính vì tất cả những điều đó tôi có thể khẳng định rằng hoạt động nghệ thuật của chúng ta hiện nay, đời sống nghệ thuật của các họa sĩ của chúng ta hiện nay là đời sống của nghệ thuật chưa đạt đỉnh cao - nghệ thuật thứ cấp hay có thể gọi là nghệ thuật bình dân được chăng? chứ chưa thể là nghệ thuật đỉnh cao có khả năng xâm nhập vào hệ tinh thần đỉnh cao như lời của Hêgel: “Nghệ thuật - tôn giáo triết học thuộc về ý niệm tuyệt đối là cấp độ cao nhất của tinh thần”.

Và có lẽ nghệ thuật đỉnh cao mới có khả năng nâng cao giá trị văn hóa của một dân tộc và tạo nên ảnh hưởng của một nền văn hóa này với một nền văn hóa khác hay ảnh hưởng tới toàn bộ nền văn hóa của nhân loại.

Triết gia nhà thơ Taagore (1861 - 1941) cho rằng:

“Mỗi dân tộc có trách nhiệm làm cho cái ưu tú nhất mà nó có trở thành tài sản chung của nhân loại”

I. Nghệ thuật chưa đạt đỉnh cao hay “nghệ thuật thứ cấp”

Nền mỹ thuật của chúng ta đã đạt được thành tựu khá lớn có thể tự hào rằng dân tộc chúng ta cũng rất giàu cảm xúc, lãng mạn có năng khiếu về nghệ thuật hội họa điêu khắc, chúng ta thử nhìn sang các lĩnh vực khác của nghệ thuật như văn chương, thi ca, âm nhạc... của chúng ta rõ ràng hội họa và điêu khắc của chúng ta ưu thế hơn nhiều. Khả năng vượt biên giới xâm nhập vào đời sống nhân sinh thế giới có thể nói là khá mạnh, ấn tượng và hoành tráng.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao ở phần đầu tôi xin thưa rằng:

Đối với nghệ thuật thứ cấp “nghệ thuật bình dân” bản chất quan trọng của nó là:

- Tính thực dụng lên ngôi

- Tính giải trí được đề cao

- Quan tâm đến khách hàng nhiều hơn là cá nhân nghệ sĩ

- Mục đích tối cao là phải bán được

- Sự nhận định đánh giá trái hoàn toàn không có tính chất phê phán. Mà chỉ là đưa ra những tiêu chí thực tế của nó.

Một số họa sĩ của trường phái này sau khi có thành tựu, họ có phong cách riêng, và có một chút danh. Họ cứ sản xuất mãi, những tác phẩm của họ ngày càng nhiều hàng trăm hàng nghìn bức cứ tương tự giống nhau không thay đổi nội dung và đề tài. Bởi thói quen đã trở thành quán tính nên những sản phẩm của họ dần dần hướng tới tinh thần của nghệ nhân hơn là nghệ sĩ. Điều này không phù hợp với phẩm chất của nghệ thuật lớn - nghệ thuật của những thiên tài.

II. Nghệ thuật đỉnh cao là gì (hay có thể là nghệ thuật lớn)

Bản chất cốt tủy của nghệ thuật là đưa chúng ta đến những ấn tượng siêu việt - từ ấn tượng siêu việt đó thôi thúc chúng ta có cung cách sống cao đẹp hơn, thôi thúc chúng ta tìm kiếm, khám phá tâm hồn và tư tưởng của chúng ta ngày càng thăng hoa và tiến hóa hơn.

Triết gia Socratet (470 - 391 TCN) đã nói: “Một tâm hồn được tỏa sáng sẽ phát ra sức mạnh của vẻ đẹp siêu nhiên”.

Nghệ thuật lớn đòi hỏi sự tận tâm tận lực, đòi hỏi nhiều ở những cảm xúc sâu xa cùng những trí tuệ uyên bác, thông thái có tâm hồn và tư tưởng lớn, có sự phiêu lưu đến cùng, có sự hiểu biết rộng để không bị lầm lẫn, có sự trải nghiệm cuộc đời sâu sắc để có tính nhân văn. Bản thân nó chứa đựng những hoài bão, khát vọng. Nó đòi hỏi bản sắc riêng, tính độc đáo và phong cách riêng. Nó chứa đựng nhiều ý tưởng táo bạo, kích thích sự sáng tạo, hướng đạo thẩm mỹ, tự nó mang bản tính khai sáng.

Theo các nhà mỹ học lớn của thế giới, nghệ thuật đỉnh cao hay nghệ thuật lớn cần các yếu tố:

1) Nó khám phá lĩnh vực cảm nhận về thị giác còn chưa được biết tới của kinh nghiệm con người về thị giác.

2) Sáng tạo hoặc đổi mới về hình thái không gian.

3) Sự hòa hợp của hai phương diện trên không thể tách rời.

Tôi xin lấy ví dụ, nhà điêu khắc người Anh Henry Moore. nói về Brancusi Constantin (1876 - 1967): “ Từ thời Gô-tích, nền điêu khắc châu Âu đã mọc lên quá nhiều rêu cỏ, đủ thứ u lồi bề mặt, che lấp hoàn toàn hình dạng. Sứ mạng đặc biệt của Brancusi là vứt bỏ hết lớp che phủ còi cọc đó đi, và làm cho chúng ta một lần nữa có ý thức về hình dạng” (Từ điển Mỹ thuật - Lê Thanh Lộc).

Điêu khắc của Brancosi đã tối giản đến cực điểm những hình thể trầm lặng, sâu lắng nhưng vô cùng mơ màng và bay bổng, nó gợi cho ta những kỷ niệm hiện hữu rất gần bên ta nhưng lại là huyền ảo trong giấc mơ xa cách.

Họa sĩ Pollock (1912 - 1956) “Ông đã vứt bỏ tư tưởng truyền thống về bố cục căn bản. Ông sáng tạo ra một hình thức mới của không gian hội họa. Qua nghệ thuật của ông, chúng ta phát hiện trực tiếp tâm trạng vô thức của người nghệ sĩ”. (Từ điển Mỹ thuật - Lê Thanh Lộc)

Bằng đường nét nhảy múa tự động, Pollock đã tạo nên những cảm xúc vô cùng mãnh liệt. Ông đã giải phóng đường nét khỏi những hình khối, truyền cho những bức tranh của ông một năng lượng tinh thần.

Họa sĩ Mark Rothko (1903 - 1970), “một trong những nhân vật hàng đầu của trường phái New York và đặc biệt là một trong những nhà sáng tạo loại tranh nền màu” Colour Field Painting (Từ điển Mỹ thuật - Lê Thanh Lộc)

Mark Rothko đã giải phóng mầu sắc ra khỏi những gò bó của chủ nghĩa Hiện thực. ông sử dụng tính ưu việt của màu sắc trong những hình khối và trong những mảng màu vô định để thể hiện tính bi kịch, trạng thái ngây ngất hay u uẩn. Hình ảnh trên tranh của ông đầy màu sắc hấp dẫn, nó như gợi lên lòng mộ đạo, sự huyền bí và sự vô thời gian của thời đại ông sống.

Triết gia người Pháp Voltaire (1694 - 1778) đã viết: “ Sức mạnh của nghệ thuật là ở chỗ đồng thời vừa kêu gọi những cảm xúc vừa đánh thức sự nhận biết của trí tuệ” - “ Tác phẩm Cai trị thế giới “.

Tôi thiết nghĩ dân tộc chúng ta giàu cảm xúc, có tâm hồn lãng mạn, thông minh và có trí tuệ. Chúng ta ý thức được giá trị của văn hóa nghệ thuật, ý thức được tình thế thực tại của chúng ta. Chúng ta cần có ý chí hơn, cần có bản lĩnh hơn, cần sự phiêu lưu hơn. Chúng ta giao lưu rộng mở hơn, chúng ta trau dồi để trở nên thông thái, minh triết hơn. Tâm hồn và tư tưởng của chúng ta sẽ phong phú hơn. Chúng ta không thể không hy vọng chúng ta sẽ có những tài năng lớn, trở thành những viên ngọc trong những ngôi đền của nền mỹ thuật thế giới.
Vân Thuyết